Nguồn: Mobiwork.vn 

Sau bão đại dịch, liệu các cửa hàng vật lý có bị “thất sủng” như lời đồn? Hành trình mua hàng phi tuyến đã tác động ra sao đến những cửa hàng bán lẻ – 1 điểm chạm quan trọng trong hành trình mua hàng truyền thống? Có nên mở mới điểm bán trong năm 2022? 

Bài viết dựa trên cơ sở số liệu Báo cáo “The Future of Brick and Mortar” của Kantar sẽ cho bạn câu trả lời.

1. Phân loại các cửa hàng vật lý

Cửa hàng vật lý là cách dịch tương đối của thuật ngữ “Brick and Mortar” (gạch và vữa). Thuật ngữ này ẩn dụ chỉ các cửa hàng truyền thống nằm trên phố hoặc trong các tòa nhà được xây dựng bằng vật liệu vốn quen thuộc – gạch và vữa. Tại đó, người tiêu dùng có thể bước vào, trò chuyện trực tiếp với nhân viên, chạm và cầm nắm sản phẩm thực tế trên tay. Sự ra đời của khái niệm này nhằm phân biệt cửa hàng vật lý với cửa hàng trực tuyến – nơi các tương tác giữa người tiêu dùng và nhãn hàng chỉ diễn ra trên mạng internet. 

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, shop thời trang,… chính là những “Brick and Mortar”.

Trong bài viết sẽ sử dụng khái niệm cửa hàng vật lý hoặc cửa hàng bán lẻ truyền thống thay phiên nhau. 

Phân loại các cửa hàng vật lý 

Phân loại các cửa hàng vật lý

1.1. Kênh thương mại hiện đại quy mô lớn (Big Format Modern Trade): Đại siêu thị và siêu thị. Đặc điểm: 

  • Diện tích mặt sàn rộng lớn, khoảng cách giữa các quầy kệ và hàng trưng bày được sắp xếp khoa học dưới sự chỉ đạo của bộ phận quản lý riêng.
  • Hoạt động quy củ theo 1 quy trình chuyên nghiệp.
  • Có hệ thống trạm cung ứng hàng hóa hoặc kho hàng riêng.
  • Tập hợp nhiều mặt hàng đa dạng cùng lúc như thực phẩm – đồ uống, đồ vệ sinh, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử – điện lạnh,…
  • Cung cấp giỏ hàng xách tay/ giỏ kéo/ xe đẩy cho mỗi mỗi khách bước vào có nhân viên trực tư vấn ở mỗi quầy hàng 
  • Thanh toán có hóa đơn 

Ví dụ: Big C, Metro, Co.opmart, AEON Mall, Lotte Mart, Bách hóa xanh, Siêu thị lớn của Vinmart,…

1.2. Kênh thương mại cận hiện đại (MP – Modern Proximity): Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Đặc điểm: 

  • Diện tích mặt sàn vừa và nhỏ, có hệ thống quầy kệ sắp xếp khoa học, bắn giá dưới mỗi sản phẩm
  • Thường hiện diện tại những vị trí chiến lược trong khu vực, phục vụ nhu cầu mua sắm của cư dân lân cận. 
  • Cung cấp giỏ hàng cầm tay, không có xe đẩy hoặc giỏ kéo như siêu thị lớn.
  • Thanh toán có hóa đơn và nhiều hình thức thanh toán như tiền mặt, thẻ ATM, ví điện tử,…
  • Có thể có đồ ăn, đồ uống nóng tự phục vụ tại chỗ
  • Thường mở cửa gần như 24/7, kể cả ban đêm…

Ví dụ: Circle K, GS25, FamilyMart, 7- Eleven, Ministop, chuỗi siêu thị mini của Vinmart,…

1.3. Kênh thương mại truyền thống (TT – Traditional Trade): Cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, quầy hàng trong chợ,…Đặc điểm: 

  • Diện tích nhỏ, quầy kệ sắp xếp theo ý muốn của chủ cửa hàng, không cần theo quy định và không có bộ phận giám sát trưng bày. 
  • Thanh toán ngay tại chỗ (thường bằng tiền mặt), không có hóa đơn 
  • Không cung cấp giỏ hàng 
  • Bán lẻ một số chủng loại hàng hóa nhất định.

Tác động của đại dịch lên mỗi kênh phân phối không giống nhau. Từ việc thấu hiểu đặc điểm của từng loại hình điểm bán trên kênh sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra động lực mua sắm của NTD và biến nó thành cơ hội phát triển tốt trong năm 2022. 

2. Hành vi của người mua sắm đang thay đổi trên từng loại cửa hàng bán lẻ 


Giống như mọi khi, các cửa hàng vật lý vẫn chiếm 80% doanh thu so với cửa hàng trực tuyến. Tuy nhiên, nội tại trong kênh bán lẻ truyền thống có sự thay đổi chi tiêu rõ rệt. 

  • Đại siêu thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi giảm doanh thu trên hầu hết các thị trường Châu Á. 2021 (29.8%) giảm so với 2020 (32.3% ) trung bình 2.5% 
  • Mặt khác, minimart và cửa hàng tiện lợi đang tăng trưởng và hứa hẹn nhiều tiềm năng. 
  • Cửa hàng bán lẻ truyền thống duy trì sự ổn định. 2020 là 10.9% và 2021 là 11.0%

3 nguyên nhân lý giải cho xu hướng chuyển dịch trên:

(1) Tâm lý hạn chế tiếp xúc chỗ đông người như đại siêu thị và siêu thị. Ngoài ra, một số siêu thị trường nằm trong trung tâm thương mại, chính sách hạn chế đi lại cũng phần nào ảnh hưởng khả năng tiếp cận của người mua sắm. 

(2) Minimart và cửa hàng tiện lợi tích cực mở rộng danh mục sản phẩm. Đặc biệt đưa thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn lên quầy kệ. Biến mình thành nơi bán mặt hàng tươi ngon, giá cả ngang bằng chợ truyền thống nhưng mang đến trải nghiệm mua sắm tiện nghi hơn nhiều.

(3) Cửa hàng bán lẻ truyền thống vốn được mệnh danh là “nền kinh tế trong hẻm”, nó sở hữu những ưu điểm đặc trưng như sự quen thuộc ăn sâu vào thói quen của người dân, vị trí gần nhà, mua hàng theo kiểu lấy và đi  không thực sự tiếp xúc nhiều,… nên vẫn giữ được sự ổn định vốn có. 

3. Những ý tưởng thú vị của các nhà bán lẻ khắp Đông Nam Á

3.1. Công nghệ Virtual Store (Siêu thị ảo)

Bên cạnh Brick and Mortar – cửa hàng vật lý được xây dựng bằng gạch và vữa, một ấn tượng mới nổi là mô hình Click-and-Mortar hoặc Clicks-and-Bricks. Loại hình cửa hàng này được cấu tạo bằng việc sử dụng công nghệ mô phỏng 2 và 3 chiều để tạo ra không gian bán lẻ gần với trải nghiệm mua sắm thực tế của khách hàng. Tại đây người mua có thể vào xem xét thông tin về hàng hóa/dịch vụ, quyết định đặt hàng, mua hàng, thanh toán và giao nhận theo điều kiện mà doanh nghiệp có thể đáp ứng.

Tại Việt Nam, dẫn đầu triển khai Virtual Store có Vingroup. Vingroup đã chọn 20 điểm tại Hà Nội và TP.HCM để chính thức khai trương cửa hàng ảo VinMart 4.0 cho phép người dùng mua sản phẩm bằng cách quét mã QR qua điện thoại thông minh. Hình ảnh mô phỏng sản phẩm được dán tại các khu vực công cộng đông đúc như bến xe, khu dân cư, trường học, cao ốc văn phòng và cam kết giao hàng tận nơi trong vòng 2 – 4 giờ.

Tại Hàn Quốc, mô hình tương tự của Vingroup đã được Tesco áp dụng với chuỗi bán lẻ mang thương hiệu Homeplus của mình năm 2011.

3.2. Đặt trước và tự đến lấy 

NTD ngày càng bận rộn hơn và yêu thích dịch vụ thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Đáp ứng nhu cầu trên, các doanh nghiệp tung ra mô hình mua sắm “đặt trước và tự đến lấy”. Thông qua ứng dụng, NTD có thể lựa chọn hàng hóa, thanh toán trước, hẹn giờ qua lấy và chỉ cần ghé cửa hàng trong 1-3s để nhấc túi đồ đã được nhân viên gói sẵn đi. 

Tại Việt Nam, chuỗi cửa hàng The Coffee House cũng đã áp dụng mô hình này, khách hàng có thể đặt đồ trên ứng dụng sau đó lựa chọn giao hàng tận nhà hoặc đến trực tiếp cửa hàng để lấy.

VinID của Vinmart, Bip Bip app của Tops Market,… cũng có tính năng “đi chợ hộ” và lấy hàng chủ động trên lộ trình thuận tiện.

3.3. Giao hàng trong ngày 

Một trong những nhà bán lẻ minimart hàng đầu ở Indonesia, Indomaret hiện cung cấp dịch vụ giao hàng và mua sắm trực tuyến thông qua ứng dụng / cửa hàng trực tuyến một cửa của họ, Klik Indomaret. Các giao dịch mua trực tuyến sẽ được giao ngay trong ngày trong vòng 1 giờ và người tiêu dùng có thể lựa chọn các phương thức thanh toán khác nhau, bao gồm cả giao hàng thu tiền tận nơi (Ship COD).

3.4. Drive-thru CVS

7-Eleven Philippines đã khai trương cửa hàng drive-thru đầu tiên tại Subic (phía tây tỉnh Zambales của Philippines). Khách hàng có thể lái xe đến và chọn các món ăn yêu thích của mình tại 7-Eleven mà không cần rời khỏi xe. 

Hình thức bán hàng này hiện chưa có ở Việt Nam và cũng là một gợi ý trong tương lai dành cho những nhà bán lẻ. 

4. Làm gì để tối ưu hóa cơ hội phát triển cho cửa hàng vật lý

“Chúng ta cần phải loại bỏ tâm lý thúc đẩy số lần tương tác nhiều hơn, thay vào đó tập trung vào chất lượng tương tác. Làm thế nào để tạo ra trải nghiệm tương tác hấp dẫn hơn mà người mua sắm không thể có được thông qua cửa hàng trực tuyến hoặc một ứng dụng mua hàng” Alda Ma – Giám đốc cấp cao PepsiCo APAC. 

4.1. Thay đổi tư duy trưng bày sản phẩm

  • Do sợ lây lan dịch bệnh, vô hình chung mỗi khách hàng đều có ý thức không tùy ý chạm vào các sản phẩm trên quầy kệ nếu không chắc chắn rằng sẽ mua nó. Vì vậy, thị giác trở thành công cụ chính để quyết định nên mua sản phẩm này hay không. Kéo theo đó, các điểm bán lẻ cần phải có chiến lược trưng bày hàng hóa sao cho an toàn mùa dịch nhưng vẫn đảm bảo thu hút ánh nhìn của khách hàng. 
  • Trưng bày hàng hóa tại cửa hàng tạp hóa, quầy hàng trong chợ,.. sẽ khác với trưng bày trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi và càng khác với trưng bày trong đại siêu thị. Từ việc thấu hiểu đặc điểm trưng bày hàng hóa trên kênh sẽ giúp doanh nghiệp phân phối có những quyết định phân bổ kinh phí khôn ngoan cho trưng bày dài hạn hay ngắn hạn. 

4.2. Thấu hiểu insight NTD: Hiểu và thích ứng với những thay đổi trong thói quen mua sắm của NTD để không bỏ lỡ cơ hội được lọt vào giỏ hàng của shopper.

  • Phần lớn người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu và chỉ mua những mặt hàng thiết yếu, trong đó thực phẩm là ưu tiên số 1, sau đó đến sữa và dụng cụ hỗ trợ nấu ăn. Chi tiêu cho chăm sóc cá nhân, đặc biệt là đối với các mặt hàng làm đẹp giảm.
  • Người dân đi mua sắm ít hơn nhưng chi tiêu nhiều hơn trên mỗi chuyến đi. 
  • Tăng chi tiêu trên kênh mua sắm online và minimart. Sự tăng trưởng thậm chí còn được đẩy nhanh hơn trong làn sóng dịch lần thứ 4 bởi sự kiểm soát đi lại chặt chẽ. 

4.3. Khuyến mãi khôn ngoan: Tối đa hóa lợi nhuận thông qua các cơ chế khuyến mại khác nhau rất quan trọng trong việc đảm bảo rằng sự tăng trưởng khách hàng mới. 

Một trong những nhà bán lẻ thành công ở Malaysia vào thời điểm hiện tại là 99 Speedmart. Chiến lược họ áp dụng là “Dekat lagi Murah” (gần và tiết kiệm). Từ 2013 đến 201, phát triển 500 cửa hàng. Năm 2018 đến 2021 đẩy nhanh tốc độ lên thành 1.000 cửa hàng. Mặc dù khẩu hiệu là giúp người mua sắm tiết kiệm, nhưng 99 Speedmart không thường xuyên chạy khuyến mãi. Trên thực tế, chỉ có 10% giá trị được bán thông qua khuyến mại (điểm chuẩn cho các Siêu thị là 24%). Thay vào đó, 99 Speedmart giúp người mua hàng tiết kiệm thông qua lời hứa về mức giá thấp hàng ngày. Ví dụ: khi nhìn vào danh mục mì sẽ thấy giá thấp hơn khoảng 3% so với giá trung bình ở các siêu thị khác. Từ đó tạo cảm giác cho NTD không cần săn ưu đãi mà bước vào cửa hàng là có ngay mức giá thấp. Một chiến lược rất khôn khéo và thành công!

4.4. Tạo trải nghiệm mua sắm phù hợp

Tạo trải nghiệm mua sắm phù hợp để thu hút và giữ chân người mua tại cửa hàng. Xác định các yếu tố kích thích khiến người mua sắm muốn ghé thăm một cửa hàng.

Các động lực thúc đẩy NTD ghé thăm cửa hàng vật lý mà cửa hàng trực tuyến không thể có được, bao gồm:

  • Không gian mua sắm, không khí mua sắm (đặc biệt vào các dịp lễ hội, tết). Cả gia đình có thể đi mua sắm như 1 buổi dạo chơi. 
  • Được trực tiếp trên tay sản phẩm, xem HSD 
  • Đem hàng về nhà ngay lập tức sau khi thanh toán mà không cần mất thời gian chờ ship

Như vậy, sau ảnh hưởng của dịch Covid và sự bùng nổ của thương mại điện tử, những tưởng các cửa hàng vật lý (Brick and Mortar) sẽ bị “thất sủng”, nhưng thực tế chúng đã phục hồi mạnh mẽ nhanh hơn ta nghĩ. Vẫn còn nhiều cơ hội cho các cửa hàng vật lý bằng cách tập trung vào các nguyên tắc cơ bản và người mua sắm. 

Bài viết trên đây của Benyu cung cấp cho bạn đọc nhịp độ phát triển của từng loại cửa hàng vật lý không chỉ tại Việt Nam mà còn nhìn rộng ra các nước khu vực Châu Á, mong rằng sẽ khơi gợi cảm hứng cho những chiến lược kinh doanh sắp tới của doanh nghiệp.